Kết quả, đánh giá và ảnh hưởng Chiến_dịch_Blau

Kết quả

Chiến dịch Blau tại cánh Nam mặt trận Xô-Đức với sự tham gia của 3.910.200 quân Liên Xô[2] và 2.550.000 quân Đức Quốc xã[1] đã kết thúc tại Bắc Kavkaz. Bộ Tổng tư lệnh quân đội Đức Quốc xã dự định thôn tính xong toàn bộ vùng đồng bằng trung lưu, hạ lưu sông Volga, sông Đông và Kavkaz trong 4 tháng nhưng chiến dịch đã kéo dài đến tháng 10 năm 1943 với tình thế mặt trận trở lại tương tự như khi bắt đầu chiến dịch. Quân Đức quốc xã thu được bao nhiêu thành quả trong 6 tháng đầu chiến dịch thì cũng mất đi bấy nhiêu vào 6 tháng cuối chiến dịch. Sau hơn một năm xung đột, hai bên đều chịu những thiệt hại rất nặng nề về người và phương tiện chiến tranh. Để giành lại được từ tay quân Đức những vùng bị chiếm đóng, Quân đội Liên Xô chịu tổn thất 1.312.775 người chết và mất tích; hơn 1.500.000 người bị thương, trong đó có hơn 600.000 người không thể tiếp tục chiến đấu.[2] Tổng số xe tăng Liên Xô bị đánh hỏng trong chiến đấu lên đến hơn 9.000 chiếc, trong đó có hơn 6.000 chiếc bị phá hủy hoàn toàn.[3] Quân đội Đức Quốc xã cũng chịu tổn thất nặng không kém. Tính từ ngày 15 tháng 7 năm 1942 đến ngày 1 tháng 10 năm 1943, tổng số thiệt hại về người của quân đội Đức Quốc xã tại hai Cụm tập đoàn quân A, B và Cụm tác chiến Hollidt (của Cụm Tập đoàn quân Nam tái lập) đã lên đến 1.890.320 người;[1] trong đó, 1.243.590 người chết và mất tích, 656.730 người bị thương.[1] Quân đội Đức Quốc xã cũng mất 7.209 xe tăng tại cánh Nam mặt trận Xô-Đức từ tháng 7 năm 1942 đến tháng 10 năm 1943 (không kể số xe tăng của Cụm tập đoàn quân Nam bị tổn thất trong trận Kursk).[1]

Đánh giá

Chiến dịch Blau có quy mô không thua kém Chiến dịch Barbarossa nhưng đối với quân đội Đức Quốc xã, nó lại trở thành một chiến dịch thất bại còn lớn hơn cả chiến dịch Babarossa. Nếu như trong Chiến dịch Babarossa, quân đội Đức Quốc xã chỉ để thua một trận chiến lược ở ngoại vi Moskva và có thể nhanh chóng phục hồi "sau một giấc ngủ đông"[117] thì Chiến dịch Blau không những đã tiêu hao một lực lượng lớn quân đội Đức Quốc xã, đặc biệt là tại Chiến dịch Stalingrad, chiến dịch đánh dấu bước ngoặt không chỉ của cuộc Chiến tranh Xô-Đức mà còn đối với toàn bộ cuộc chiến tranh thế giới thứ hai.[118] Các trận đánh ở thượng lưu sông Đông và Kavkaz càng khoét sâu vào những vết thương của quân đội Đức Quốc xã đang choáng váng sau thất bại nặng nề ở Stalingrad và chỉ có những lực lượng mới được đưa từ Đức, Pháp và Đông Âu sang cùng với sự điều chỉnh chiến lược hợp lý của thống chế Erich von Manstein vào giai đoạn sau của chiến dịch mới giúp cho mặt trận phía đông của quân đội Đức Quốc xã tránh khỏi sự đổ vỡ toàn diện.[119]

Bị "ngây ngất" bởi những thắng lợi ban đầu rất lớn ở tuyến sông Đông và tiến sát tới sông Volga trong giai đoạn đầu của chiến dịch, một tham vọng lớn đã nảy sinh trong đầu Adolf Hitler cùng một số tướng lĩnh Đức có tư tưởng phiêu lưu. Mặc dù được coi là một chiến lược gia của Đảng Quốc xã nhưng tham vọng đó đã cám dỗ Hitler đến mức làm cho ông ta không còn giữ được sự bình tĩnh để đánh giá đúng quân đội của ông ta và của đối thủ. Hệ quả tất yếu của tham vọng đó là việc xé lẻ lực lượng Đức tại cánh Nam của mặt trận Xô-Đức và điều đó đã trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến thảm họa Stalingrad đối với quân đội Đức Quốc xã. Việc ông ta truất quyền chỉ huy Cụm tập đoàn quân A của thống chế Wilhelm List và tự mình điều hành Cụm tập đoàn quân này với những quyết sách chiến lược rất không phù hợp đã làm cho tình hình quân đội Đức Quốc xã vốn đã bế tắc về chiến lược ngày càng trở kém cơ động hơn.[120] Giống như Chiến dịch Barbarossa, quân đội Đức Quốc xã vẫn tuân theo học thuyết quân sự Chiến tranh chớp nhoáng kiểu Đức, lấy đánh nhanh thắng nhanh làm phương châm chủ yếu. Khi vấp phải sức phòng thủ dẻo dai của quân đội Liên Xô với nhiều lực lượng dự bị mới được tung ra mặt trận, quân đội Đức Quốc xã nhanh chóng "xuống sức" và phải chuyển sang phòng ngự, một chiến lược rất không phù hợp với một đội quân viễn chinh vốn có tiềm lực dự trữ yếu hơn đối thủ. Kết quả là quân đội Đức Quốc xã lại tiếp tục bước vào một cuộc chiến giằng co và tiêu hao thêm sinh lực trong điều kiện nó đã suy yếu hơn so với năm 1942.[118] Một kết quả tệ hại khác mà quân đội Đức Quốc xã phải gánh chịu sau khi Chiến dịch Blau hoàn toàn thất bại là uy tín của nước Đức và quân đội Đức Quốc xã đối với thế giới và dân chúng Đức vốn đã lung lay sau trận Moskva lại càng xuống thấp hơn nữa.[1]

Ảnh hưởng

Về quân sự thuần túy, Chiến dịch Blau đem lại thiệt hại nặng nề cho hai bên cả về sinh lực và vật chất. Nhưng về khía cạnh chính trị quân sự, Chiến dịch Blau cho thấy sức hồi sinh của quân đội Liên Xô mà David. M. Glantz cùng một số nhà nghiên cứu quân sự phương Tây gọi đó là "phép lạ Nga". Chiến dịch Blau với cái trục xoay là Trận Stalingrad đã cho thấy một tương lai không mấy sáng sủa cho Đế chế thứ ba và quân đội Đức Quốc xã. Về cơ sở nhân lực và vật lực nước Đức, Chiến dịch Blau trở thành một chiến dịch "tốn máu" bậc nhất kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đồng thời đem lại những tổn thất đặc biệt lớn về vũ khí, phương tiện chiến tranh của họ. Mặt trận phía đông liên tục ngốn nuốt ngày càng nhiều binh lính, xe tăng, đại bác, máy bay và tiền của nước Đức Quốc xã.[118]

Mặc dù tiềm lực quân sự của nước Đức Quốc xã vẫn chưa hẳn là cạn kiệt nhưng rõ ràng đã trở nên "khan hiếm" hơn so với năm 1942. Theo kết quả nghiên cứu thống kê của Bernard Mullerr Hinlerbrand trong tác phẩm "Cơ sở quân sự của nước Đức (1933 - 1945)" thì trong nửa cuối năm 1943 nửa đầu năm 1944, mức bù đắp cho các thương vong sinh mạng và tổn thất vũ khí, phương tiện trên mặt trận phía đông của quân Đức đã giảm sút hẳn so với 6 tháng cuối năm 1942 đến 6 tháng đầu năm 1943 khi diễn ra Chiến dịch Blau về cả về quân số: 95% (1942-1943) so với 65% (1943-1944) và phương tiện: 122% (1942-1943) so với 97% (1943-1944).[1] Về tiêu thụ nhiên liệu, trong nửa cuối năm 1942 và nửa đầu năm 1943, tại mặt trận phía đông, quân đội Đức Quốc xã đã tiêu hao một khối lượng xăng dầu gấp rưỡi và một khối lượng than đá gấp đôi so với giai đoạn từ tháng 6 năm 1941 đến tháng 6 năm 1942. Nếu về than đá, quân đội Đức Quốc xã còn có thể tự trang trải được nhưng những thứ đó không thể dùng cho xe tăng, xe cơ giới, máy bay quân sự và chiến hạm. Còn về xăng dầu thì sản lượng của cả hai khu khai thác và lọc hóa dầu lớn nhất của Đế chế thứ ba nằm ở đồng bằng Áo - Hung và hạ lưu sông Danube ở Ploesti Romania vẫn không thể đủ để cung cấp cho bộ máy chiến tranh. Bắt đầu từ cuối năm 1943, người ta đã thấy xuất hiện ở Pháp, ở Đức và một số nước Đông Âu các loại xe ô tô dân sự phải sử dụng khí than để thay cho xăng dầu.[120]

Chiến dịch Blau có ảnh hưởng rất lớn đến nhuệ khí của các nước đồng minh phương Tây cùng đứng trên mặt trận chống phát xít với Liên Xô trên chiến trường châu Âu. Khi thấy rõ kết cục của Chiến dịch Blau khẳng định một điều chắc chắn rằng quân đội Liên Xô sẽ đứng vững và hùng mạnh hơn cùng với kết quả khả quan của quân đồng minh Anh ở Bắc Phi đã đánh bại Tập đoàn quân 20 (Cụm tác chiến Rommel) của quân Đức trong hai trận El Alamein, quân đội Đồng minh đã vượt Địa Trung Hải bắt đầu chiến dịch nước Ý. Họ đổ bộ lên Sicilia ngày 10 tháng 7, tấn công Baytown ngày 3 tháng 9, quân đội Hoa Kỳ đổ bộ lên đảo Salerno và tấn công Slapstick, quân Anh tấn công Taranto. Chính phủ Ý của vua Victor Emanuel đầu hàng và giam lỏng Mussolini. Những khó khăn mới cho chế độ Quốc xã bắt đầu chồng chất ngày một nhiều hơn.[120]

Đối với quân đội Liên Xô, kết cục phá sản của chiến dịch Blau đã đem lại cho họ một tinh thần lạc quan mới, lớn hơn nhiều so với đầu năm 1942. Các sĩ quan và các tướng lĩnh chỉ huy chiến trường cũng dày dạn kinh nghiệm trận mạc hơn. Cùng với một số lượng vũ khí trang bị khổng lồ trong đó có 92% nhận được từ nền công nghiệp quốc phòng Liên Xô và 8% từ viện trợ của các đồng minh Hoa Kỳ và Anh,[118] quân đội Liên Xô đã phát huy được ưu thế lực lượng và dần dần giành lại quyền chủ động chiến lược.[121] Mặc dù về giai đoạn cuối của chiến dịch, những biểu hiện chủ quan quá trớn đã đem lại cho họ thất bại trên sông Dniepr và vùng Donbass, phải lùi về giữ chính diện mặt Nam của vòng cung Kursk nhưng thế và lực của họ sau chiến dịch Blau rõ ràng đã khác hẳn so với một năm trước đó. Với quyền chủ động chiến lược tạm thời nắm giữ sau Chiến dịch Donets, quân đội Đức Quốc xã dự tính là một cuộc "rửa hận" cho Trận Stalingrad. Và kết quả là "sự bất quá tam", quân đội Đức Quốc xã tiếp tục thất bại trong Chiến dịch vòng cung Kursk, mất quyền chủ động chiến lược trên mặt trận Xô-Đức lần thứ ba và vĩnh viễn không bao giờ giành lại được thế chủ động nữa.[122]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Blau http://users.pandora.be/stalingrad/germanpart/dir4... http://cgsc.cdmhost.com/cgi-bin/showfile.exe?CISOR... http://www.imdb.com/title/tt0107547/ http://rus-sky.com/history/library/w/w06.htm#_Toc5... http://www.lexikon-der-wehrmacht.de/Gliederungen/H... http://www.lexikon-der-wehrmacht.de/Gliederungen/H... http://www.lexikon-der-wehrmacht.de/Gliederungen/L... http://www.lexikon-der-wehrmacht.de/Gliederungen/L... http://web.archive.org/web/20090506092909/http://m... http://www.worldcat.org/title/when-titans-clashed-...